Ung thư dạ dày là khối u ác tính xuất phát từ biểu mô niêm mạc dạ dày, có tỷ lệ mắc bệnh rất cao và có xu hướng tăng dần qua từng năm.
Nguyên nhân của bệnh này có mối liên hệ rất mật thiết với một số thói quen ăn uống sai lầm trong cuộc sống hằng ngày. Nếu ăn nhiều những thực phẩm dưới đây trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày, mọi người hãy cảnh giác.
1. Thức ăn quá nóng hoặc cứng
Nếu bạn ăn một số đồ ăn nhanh hoặc lẩu trong thời gian dài, cũng như bún, phở nóng, cháo nóng, trà nóng mà nhiệt độ vượt quá 50 độ, nguy cơ phát triển ung thư dạ dày sẽ tăng lên rất nhiều. Nhiệt độ dưới 50 độ sẽ không gây hại cho niêm mạc dạ dày, nhưng nếu cao hơn thì niêm mạc dạ dày sẽ bị đóng vảy dẫn đến hình thành một số vết loét nông. Nếu để niêm mạc dạ dày bị bỏng lâu ngày, bạn sẽ dễ bị viêm teo dạ dày hoặc viêm loét dạ dày.
Ngoài những thức ăn có tính nóng này, nếu ăn quá nhiều thức ăn cứng trong thời gian dài, hoặc khi ăn không nhai kỹ, thức ăn cứng sẽ gây ra một số tổn thương cơ học cho niêm mạc dạ dày. Kết quả là dễ gây ra một số bệnh viêm bao tử. Nếu hiện tượng này diễn ra nhiều lần, các tế bào niêm mạc dạ dày cần được sửa chữa. Khi đó, trong quá trình sửa chữa dễ xuất hiện tình trạng tăng sinh bất thường, từ đó làm tăng khả năng bị ung thư.
2. Thực phẩm muối chua
Nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày không thích ăn một số thức ăn cay nóng trong cuộc sống hằng ngày mà lại ăn quá nhiều đồ muối chua. Một khi lượng thức ăn này vượt quá giá trị bình thường sẽ làm tăng nguy cơ mắc hàng loạt bệnh ung thư đường tiêu hóa. Khi có quá nhiều muối vào cơ thể, niêm mạc dạ dày sẽ bị tổn thương, các tế bào biểu mô tuyến bị teo đi, hàng rào bảo vệ của niêm mạc dạ dày cũng bị tổn thương. Ngoài ra, sau khi chất nitrit có trong thực phẩm muối chua đi vào cơ thể người sẽ tác động trực tiếp lên niêm mạc dạ dày, từ đó làm tăng khả năng bị ung thư niêm mạc dạ dày.
3. Thực phẩm bị mốc và hư hỏng
Ví dụ, một số loại ngũ cốc bị mốc, các loại hạt, dầu ăn, rau và trái cây thối, và một số thực phẩm hư hỏng có chứa nhiều aflatoxin và các chất độc đa dạng. Sau khi các chất độc này đi vào dạ dày của con người, chúng sẽ gây ra sự tăng sinh bất thường của các tế bào biểu mô niêm mạc dạ dày, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày.
4. Thực phẩm có chứa các chất hóa học cao
Đồ nướng, đặc biệt là thịt nướng rất dễ bị cháy xém trong quá trình chế biến, và khi đó chúng sẽ chứa rất nhiều chất hóa học. Các chất hóa học này sẽ tác động trực tiếp lên màng nhầy trong đường tiêu hóa của cơ thể người, làm tăng nguy cơ ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư ruột.
Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư dạ dày có mối quan hệ rất mật thiết với chế độ ăn uống không hợp lý. Nếu ăn 4 loại thực phẩm trên với số lượng lớn trong thời gian dài, khả năng mắc các bệnh về dạ dày sẽ tăng cao. Và một khi mắc một số bệnh mãn tính về dạ dày trong thời gian dài thì khả năng mắc bệnh ung thư dạ dày cũng sẽ tăng cao.
Vì vậy, muốn phòng ngừa ung thư dạ dày, bạn phải điều chỉnh chế độ ăn uống. Ngoài ra, trong chế độ ăn uống hằng ngày phải chú ý đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Chế độ ăn uống không sạch sẽ dễ bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Loại vi khuẩn này sẽ gây tổn thương lớn đến niêm mạc dạ dày, khả năng phát triển thành ung thư dạ dày tăng cao.