Thành phố Thanh Hoá: Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số

Những năm qua, TP. Thanh Hóa tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đầu tư, kinh doanh, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Những năm qua, TP. Thanh Hóa tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đầu tư, kinh doanh, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

b6ac27b07f30d76e8e21.jpg

Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số

Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định: “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn” là một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ. Đây cũng được xem là chìa khóa quan trọng để thúc đẩy thu hút đầu tư, nhất là các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, sản xuất sạch, bền vững. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Thanh Hoá đã ban hành Kế hoạch hành động số 212-KH/TU, ngày 7/4/2021, thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu và nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, đẩy mạnh hiện đại hóa nền hành chính để xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của tổ chức, người dân và doanh nghiệp, là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết mà các ngành, các cấp phải tập trung thực hiện nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường khởi nghiệp, đầu tư, kinh doanh và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

anh1.jpeg
Cá nhân được cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố hướng dẫn TTHC về đất đai

Trong năm 2023, thành phố đã rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết đối với 11 thủ tục hành chính thuộc 5 lĩnh vực, tiếp tục duy trì thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính thuộc 4 lĩnh vực về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân trúng đấu giá quyền sử dụng đất.

Đến nay, việc cải cách hành chính đều được cập nhập liên tục, kịp thời và công khai trên Trang thông tin điện tử của thành phố Thanh Hoá và các phường xã.

Đã có 28/34 xã phường thực hiện giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính như: phường Hàm Rồng, phường Điện Biên, phường Đông Hương... của các lĩnh vực Chứng thực, Hộ tịch, Bảo trợ xã hội tại Bộ phận một của đơn vị. Giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử góp phần nâng cao chất lượng, tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các phường xã. 5/265 thủ tục hành chính không thực hiện tại Bộ phận một cửa gồm: 4 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch và 1 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hỗ trợ cho người dân thuộc vùng đặc biệt khó khăn.

Khó khăn, thách thức và kỳ vọng

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số của tỉnh còn những khó khăn, thách thức, như: Năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp chưa theo kịp sự thay đổi của yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số (việc chuyển đổi nền hành chính từ “quản lý” sang “quản trị”; ứng dụng các dịch vụ thông minh; giải quyết thủ tục hành chính thông qua môi trường mạng; doanh nghiệp, người dân chưa thật sự quan tâm, chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ số); việc kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn rời rạc (như kết nối giữa phần mềm điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư); hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư đồng bộ (đặc biệt là cấp xã), dẫn đến khó khăn trong chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu của thành phố…

anh2.jpeg
Công dân đến giao dịch được hướng dẫn, tuyên truyền về Luật cư trú.

Những hạn chế, khó khăn nêu trên đặt ra thách thức lớn cho tỉnh trong việc đề ra các giải pháp, định hướng trong thời gian tới. Bên cạnh các giải pháp từ phía cơ quan nhà nước, đòi hỏi phải có sự thay đổi cả về tư duy, nhận thức của doanh nghiệp và người dân, cụ thể như: Đổi mới phương thức làm việc, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo hiệu quả công việc của các cấp chính quyền; bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin, xem đây là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính; tập trung triển khai chuyển đổi số trong khối chính quyền, nhất là trong việc cung cấp các dịch vụ công; khuyến khích tổ chức, công dân tham gia nộp hồ sơ trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và hiện đại hóa nền hành chính… Tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, hướng dẫn khuyến khích người dân lựa chọn thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Bằng sự quyết tâm và nỗ lực trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, thành phố Thanh Hóa kỳ vọng sẽ tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đầu tư, kinh doanh phát triển, là điểm đến tin cậy đối với các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh./.


Xem thêm

Trang chủ Lên đầu trang