“Chợ phiên - Chào năm mới 2024” của đồng bào các dân tộc trong lòng Hà Nội

Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, TP. Hà Nội) cho biết, trong tháng 12/2023 đến 1/1/2024 tại Làng Văn hóa diễn ra chương trình “Chợ phiên - Chào năm mới 2024” với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn.

Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, TP. Hà Nội) cho biết, trong tháng 12/2023 đến 1/1/2024 tại Làng Văn hóa diễn ra chương trình “Chợ phiên - Chào năm mới 2024” với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn.

Chương trình giới thiệu những nét văn hóa đầu xuân mới qua văn hóa ẩm thực đầu năm cùng các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán để du khách thêm hiểu những nét văn hóa truyền thống, đặc trưng các dân tộc, góp phần bảo tồn, phát huy quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ cùng phát triển nhân dịp đầu năm mới 2024.

453-202312060328391.jpg
Đồng bào các dân tộc đi chợ phiên xã Má Lé (Ma Lé) thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Hoạt động “Chợ phiên - Chào năm mới 2024” có sự tham gia của hơn 100 đồng bào của 16 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer) đến từ 11 địa phương của Việt Nam.

Điểm nhấn của chương trình này là “Phiên chợ vùng cao ngày Tết” tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng cao cùng vui gặp gỡ, nhìn lại một năm đã qua và niềm vui hân hoan đón chào năm mới 2024. Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Nùng, Mông, Dao…

Giới thiệu nghệ thuật trình diễn dân gian múa Khèn dân tộc Mông

Khèn là biểu tượng văn hóa của đồng bào dân tộc Mông vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ, vừa là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh nhưng cũng là phương tiện kết nối cộng đồng chia sẻ tâm tư tình cảm giúp chủ thể văn hóa thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời.

Các nghệ nhân dân tộc Mông giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bằng nghệ thuật trình diễn các tiết mục đặc sắc múa khèn đơn, khèn đôi; giới thiệu cấu tạo của chiếc khèn và cách sử dụng khèn tới đồng bào và du khách. Nghệ nhân giúp mọi người có thể trải nghiệm cùng trao đổi với nhau về tiếng khèn của đồng bào dân tộc Mông, hòa cùng không khí niềm vui ngày hội non sông thống nhất.

453-202312060328392.jpg
Múa khèn Mông - một hoạt động văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông của tỉnh Hà Giang.

Đó còn là hoạt động giới thiệu, trình diễn nghệ thuật thêu và chà bóng vải đen của dân tộc Nùng và giới thiệu nét đẹp trang phục dân tộc Dao, Mông, Nùng... Đặc sắc không kém là chương trình dân ca dân vũ “Phiên chợ ngày xuân” của cộng đồng các dân tộc tại không gian chợ vùng cao phía Bắc.

Các tiết mục dân ca, dân vũ mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền chào xuân 2024 của dân tộc Mông, Dao, Nùng huyện Xín Mần và các cộng đồng dân tộc đang hoạt động tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Các cộng đồng dân tộc gặp gỡ, hân hoan của tình đoàn kết, rạng ngời trong niềm tin đối với Đảng, Bác Hồ và quê hương đổi mới.

Tái hiện lễ hội cầu mùa của dân tộc Dao, huyện Xín Mần

Trước đây, lễ cầu mùa của người Dao được tổ chức trang trọng, có sự tham gia của cả cộng đồng, đồng bào dân tộc sinh sống tại một bản, một vùng vào dịp cuối năm hoặc đầu năm mới. Già làng, trưởng bản, các thầy mo và bà con trong bản họp bàn nhau để chuẩn bị cho lễ cúng với các công việc như chọn thầy cúng, chuẩn bị lễ vật, chọn địa điểm và ngày cúng.

Lễ cúng thường được tổ chức vào ngày Thìn hoặc ngày Sửu vì theo quan niệm của đồng bào Dao thì tổ chức vào ngày này làng bản sẽ gặp nhiều may mắn. Bằng các nghi lễ truyền thống, điệu múa cầu mùa trong nghi thức cũng thể hiện sự tôn kính với thần rừng, thần núi, thần trời và thần đất. Đây không chỉ là nơi thể hiện nét đặc sắc trong truyền thống của bà con dân tộc Dao mà còn là nơi thể hiện ý nghĩa tâm linh sâu sắc trong đời sống văn hoá của họ.

Thi thổi xôi ngũ sắc và mâm cơm mừng năm mới

Hội thi sẽ đưa người dân và du khách về với một không gian đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc phía Bắc. Từ phần chuẩn bị nguyên liệu thô, giã thóc thành gạo, lấy lửa tự nhiên, nấu cơm. Với đại diện các nhóm đồng bào nghệ nhân chia làm 3 đội sẽ bắt đầu thời gian thực hiện đồ xôi với 3 chõ đồ với các màu sắc khác nhau: Xôi màu đỏ được gọi là “khảu đeng” ; Xôi màu tím được gọi là “khảu cắm” ; Xôi màu vàng được gọi là “khẩu lương”; Xôi màu xanh được gọi là “khảu kheo”; Xôi màu trắng được gọi là “khảu đón”. Sau đó các nghệ nhân sẽ trình bày mâm xôi ngũ sắc để giới thiệu đến du khách.

453-202312060328393.jpg
Đồng bào dân tộc Mường tại tỉnh Phú Thọ đang làm xôi ngũ sắc.

“Mâm cơm đoàn kết” đón chào năm mới tại đặt tại trung tâm của chợ vùng cao với đặc trưng các món ăn của các dân tộc phía Bắc hoạt động tại Làng Văn hóa gồm dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Lào... sẽ được các nghệ nhân giới thiệu tới công chúng. Bên cạnh mâm xôi là chảo thắng cố đang bốc khói nghi ngút, chén rượu ngô thơm nồng… để du khách và đồng bào cùng thưởng thức.

Tái hiện Lễ vào nhà mới của đồng bào dân tộc Lào tỉnh Sơn La

Đối với đồng bào dân tộc Lào đến từ huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La nói riêng, các cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung, việc làm nhà hay sửa nhà là việc đại sự. Vì thế, từ xa xưa đến nay, lễ vào nhà mới của đồng bào dân tộc Lào là không thể thiếu khi dựng xong ngôi nhà mới hay về nhận nhà mới để ở.

Thông qua lễ vào nhà mới, du khách tham quan được trải nghiệm với một nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Lào, được thưởng thức các món ẩm thực độc đáo và những tiết mục dân ca dân vũ đặc sắc, được hiểu thêm về mơ ước thuần hậu, tinh thần lạc quan, yêu đời… của người anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam./.


Xem thêm

Trang chủ Lên đầu trang